Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 14:36 22/05/2023

Hợp tác thương mại thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Theo Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ Ralph Bean, Việt Nam có ưu thế trong phát triển nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Ralph Bean cho biết: "Trong thời gian tới, các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ tới Việt Nam để đào tạo vận hành phần mềm giám sát, đo lường khí nhà kính trong sản xuất các sản phẩm từ sữa. Dự án Sử dụng phân bón đúng trị giá 4,4 triệu USD bước đầu tiến triển tốt với hỗ trợ khoa học và chính sách toàn diện".

Đây là một trong những hợp tác điển hình cho thấy Hoa Kỳ là một đối tác thương mại nông nghiệp rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.

Không chỉ phát triển hệ sinh thái môi trường mà cả hệ sinh thái doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự cải thiện trong mối hợp tác này.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cũng nhìn nhận, việc hợp tác thương mại nông sản với Hoa Kỳ thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ kết nối nông dân, tổ nhóm nông dân/hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tăng thu nhập cho người sản xuất. Cùng với đó, đây là cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có trách nhiệm - minh bạch – bền vững, làm cơ sở cho xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu.

Đứng trước cơ hội này, Bộ NN&PTNT đã chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả với các đối tác Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về các lĩnh vực: Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc cùng nhau thúc đẩy phát triển cơ chế thị trường trong quan hệ thương mại hai nước sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán thương mại, mở cửa thị trường nông sản. Đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác tích cực hơn giữa hai bên trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Ngô Tường Vi, CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ, với thị trường này, Việt Nam đang có thị phần không quá lớn, doanh nghiệp không quá nhiều nên phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

"Chúng ta cần lập tức cải thiện chuỗi liên kết hiện nay. Tôi luôn mong muốn tập hợp được các doanh nghiệp khác để cùng nhau làm điều này. Bởi vì khi chúng ta bước vào được những chuỗi hệ thống bán lẻ của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì thị trường của chúng ta không phải chỉ riêng Hoa Kỳ nữa mà sẽ là thị trường toàn cầu", bà Tường Vi nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn rất cần thiết và là nguồn lực lớn giúp cho nông dân thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Ngày 28/3, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về việc đẩy mạnh chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn.

Theo báo cáo từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, số lượng cung cấp tín dụng nông nghiệp nói chung hiện nay khá cao, đặc biệt là tín dụng cho vay trong sản xuất nông hộ, vay theo nhóm nông dân, nhóm HTX. Qua tra soát cho thấy còn nhiều đối tượng là nông dân và HTX nông nghiệp đang bị trùng khớp. Do vậy, hai bên cầm bàn bạc, tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách hỗ trợ vay vốn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc

Bên cạnh đó, trong bối cảnh triển khai các dự án cần nguồn vốn lớn, Bộ NN&PTNT mong muốn cần sự hợp tác và thắt chặt hơn nữa giữa ngân hàng và doanh nghiệp để phát huy được vai trò mỗi bên. Sự hợp tác giúp ngân hàng cung cấp được các dịch vụ tín dụng cho các đối tượng sản xuất hàng hóa Việt Nam, đặc biệt các chương trình vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Không chỉ giải quyết nguồn vốn mà còn tư vấn cho người dân, doanh nghiệp các cơ chế chính sách thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả năng suất chất lượng nông sản.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thanh viên Agribank cho biết, buổi làm việc lần này rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Agribank và Bộ NN&PTNT thể hiện sự thống nhất đồng lòng để phục vụ cho sự phát triển của nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank phát biểu tại buổi làm việc

Agribank còn dư nợ rất lớn, trong đó dành 65% nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong buổi làm việc hôm nay, giữa ngân hàng và Bộ NN&PT nông thôn có được sự thống nhất của 2 bên để hỗ trợ nông nghiệp nông thôn phát triển, đời sống nông dân ngày càng cải thiện. Đồng thời, cùng tìm giải pháp để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ được bền vững.

Đối với lĩnh vực tín dụng chính sách, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho rằng, ngân hàng được giao triển khai các chương trình tín dụng của Đảng và Nhà nước giao về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới các chương trình mục tiêu quốc gia. Sau hơn 20 năm hoạt động cho đến nay, NHCSXH thấy còn một số khó khăn ảnh hưởng một phần đến quá trình hỗ trợ vốn là những hạn chế về chính sách trong khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư mà ngân hàng chính sách xã hội đã hướng dẫn cho người dân về cách sử dụng vốn chưa có cơ chế rõ ràng và thông suốt. Một số hộ nông dân được cấp vốn họ tự mày mò để sử dụng nguồn vốn mà không có sự hướng dẫn sử dụng nguồn vốn ý sao cho hiệu quả, sinh lời. Qua NHCSXH người nông dân thoát nghèo sẽ là đối tượng khách hàng tiềm năng của Agribank.

Hiện nay NHCSXH đang có chương trình phối hợp với Bộ NN&PTNT cho vay về đề án nước sạch nông thôn. Nhưng hiện nay nguồn lực còn nhiều hạn chế do vậy vẫn chỉ ở mức manh mún nhỏ lẻ. NHCSXH mong muốn Bộ NN&PTNT và ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để làm sao người dân vay vốn theo hộ gia đình, đồng thời tham gia vào chuỗi sản xuất đặc biệt ở vùng dược liệu, vùng nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát trển nông nông thôn khẳng định, vai trò của Agribank và NHCSXH đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển nông thôn, đặc biệt trong đề án phát triển nông thôn mới. Theo số liệu báo cáo mô hình tổ chức chân rết của ngân hàng rất lớn đã có đến 60.000 tổ tiết kiệm vay vốn, NHCSXH có hơn 10.000 điểm giao dịch xuống đến cấp xã đó là điểm mạnh để người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay. Trong đề án tới đây, Cục kinh tế hợp tác đề xuất thêm một số mục tiêu cụ thể hơn, bổ sung thêm nhiều nội dung và có nhiều đánh giá tổng kết tốt hơn. Đồng thời, cần gắn bảo hiểm vay vốn cho người dân để tăng cường các hiệu quả, bảo vệ sức khỏe khi tham gia sản xuất hay những tác động môi trường trong sử dụng hóa chất có thể để lại rủi ro không mong muốn. Đây cũng là một điểm sáng tích cực trong hoạt động vay vốn đến người dân nghèo.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn rất cần thiết và là nguồn lực lớn giúp cho nông dân thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, muốn sử dụng đồng vốn hiệu quả ngoài chính sách của Bộ NN&PTNT thì các ngân hàng phải giúp nông dân thay đổi tư duy bao cấp, không ỷ lại vào bất kỳ chương trình hỗ trợ nào, thậm chí là chương trình cho vay từ NHCSXH. Phải giúp người nông dân hình thành tư duy thị trường, phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay, hỗ trợ của mình.

Mặc dù ngân hàng đã có những điều kiện khi cho vay nhưng rủi ro là không thể tránh được do vậy cần có các chính sách, điều kiện chặt chẽ và cần nhất là thay đổi tư duy người dân từ nhận thức đến cách thức sản xuất để làm sao người dân khi tiếp cận nguồn vốn có đời sống cao hơn, nguồn vốn phải sinh lời và phát triển bền vững được thì rủi ro sẽ giảm.

"Đưa đời sống người dân ngày càng tốt hơn, xây dựng đất nước văn minh hơn không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cả Bộ NN&PTNT và Agribank, NHCSXH", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.